Trong một căn nhà nhiều thế hệ, việc bố trí và phân chia không gian sao cho hợp lý là rất khó, bởi sự khác nhau về độ tuổi sẽ dẫn tới sự khác nhau về tâm lý, sức khỏe, sở thích và yêu cầu về không gian kiến trúc, đặc biệt là người già. Chính vì vậy, khi thiết kế hay bố trí nội thất căn nhà, cần chú ý những không gian dành cho người già ở những điểm sau:
Người già ở vào cái tuổi “mắt mờ, chân chậm”, không còn được tinh nhanh, mạnh khỏe như là thời còn trẻ nữa. Việc đi lại, mọi sinh hoạt hằng ngày sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vậy, đảm bảo sự an toàn cho không gian sống của người già là nguyên tắc cơ bản nhất khi thiết kế.
Những vật dụng quá phức tạp, cồng kềnh sẽ gây trở ngại cho sinh hoạt của người già. Bởi vậy, khi lựa chọn nội thất và bày trí không gian, bạn nên đặt tiêu chí đơn giản, tinh gọn, tiện dụng lên hàng đầu.
Khi bước qua bên kia con dốc của cuộc đời, người ta không còn thích sự ồn ào, sôi nổi của tuổi trẻ nữa. Một không gian tĩnh lặng, những màu sắc nhẹ nhàng tinh tế sẽ là phù hợp nhất đối với họ.
Phòng ngủ của người già nên đặt ở những tầng thấp để hạn chế việc di chuyển bằng cầu thang. Phòng ngủ cũng nên có đầy đủ các tiện nghi: nhà vệ sinh, tivi, đài, sách, báo… để thuận tiện cho việc sinh hoạt trong cùng một không gian. Bạn có thể trang trí thêm những bức ảnh của cả gia đình để tạo sự ấm cúng.
Phòng vệ sinh dễ gây trơn trượt nên có tay vịn gắn tường để tăng độ an toàn khi sử dụng. Gỗ tự nhiên hoặc sàn laminate (gỗ công nghiệp) sẽ đem lại cảm giác ấm chân cho người già.
Phòng khách: Người già ít đi lại, tiếp xúc với bên ngoài nhưng lại có nhu cầu chia sẻ rất cao nên bạn hãy thiết kế phòng khách thật ấm cúng cho những buổi hàn huyên tâm sự với những người bạn già hay lui tới. Bạn nên sử dụng bàn ghế gỗ hoặc mây, tạo sự gần gũi cho không gian phòng khách.
Màu sắc trong phòng chỉ nên dùng những gam màu nhẹ, trung tính, có thể dùng màu trầm nhưng phải thể hiện nét tĩnh lặng chứ không phải cảm giác u buồn.
Ánh sáng trong phòng cần chiếu sáng đầy đủ tất cả các khu vực, đặc biệt lưu ý chiếu sáng lối đi và thiết kế công tắc đèn bật được cả hai vị trí: ở gần cửa vào phòng và ngay đầu giường trong tầm với tay khi nằm.
Khuôn viên xanh: Càng lớn tuổi, người ta càng thích cuộc sống chan hòa với thiên nhiên hơn, bởi nó sẽ mang lại cảm giác thư thái, bình yên. Bạn có thể tận dụng khoảng ban công để trồng những cây xanh tươi mát, có chiếc ghế tựa cho người già ngồi hóng mát, đọc sách. Hoặc nếu nhà bạn có sân rộng sẽ là nơi lý tưởng cho các cụ có không gian tập dưỡng sinh nhẹ nhàng. Như thế sẽ khiến cho cuộc sống của người già thêm phần thú vị.
Trên đây là một vài gợi ý để bạn thiết kế căn phòng cho những người lớn tuổi trong gia đình. Hi vọng với những bí kíp này, bạn có thể làm cho bầu không khí gia đình trở nên ấm cúng, thoải mái hơn. Đó cũng là cách để bạn thể hiện sự hiếu kính với bậc sinh thành.
Bạn có thể tham khảo thêm các thiết kế nội thất của Kiến trúc IDay hoặc tìm đến sự tư vấn của chúng tôi, để có một thiết kế không gian phù hợp nhất với ngôi nhà bạn.